VnResource Blog

vnresource blog

http://vnresource.vn

Phân biệt giữa Quản trị (Administration) và Quản lý (Management)

Hầu hết mọi người đều hiểu quản trị và quản lý theo nghĩa gần giống nhau. Hiện vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn nào để phân biệt hai thuật ngữ trên, tuy nhiên, mỗi chức năng trên đều đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của một tổ chức.



Quản trị chức năng là thành lập các mục tiêu, chính sách quan trọng của các tổ chức. Còn Quản lý được hiểu là hành động hoặc chức năng của việc đưa vào thực hành các chính sách, kế hoạch đã được quyết định thực hiện bởi người quản trị.









– Quản trị có chức năng quyết định, trong khi quản lý có chức năng chấp hành thực hiện các quyết định đó.



– Quản trị là cấp cao nhất, trong khi quản lý là một hoạt động cấp trung. Quản lý bao gồm một nhóm người có kỹ năng chuyên môn để thực hiện các mục tiêu của tổ chức.



– Quản trị thường được tìm thấy trong các cơ quan chính phủ, quân sự, tôn giáo và các tổ chức giáo dục. Quản lý được sử dụng bởi các doanh nghiệp kinh doanh. Các quyết định của một nhà quản trị được định hình bởi công luận, chính sách của chính phủ, và các yếu tố xã hội và tôn giáo. Trong khi quản lý được hình thành bởi các giá trị, các ý kiến ​​và niềm tin của người quản lý.



– Trong quản trị chức năng lập kế hoạch là yếu tố quan trọng, trong khi đó, quản lý nó liên quan đến chức năng thúc đẩy và kiểm soát. Các yếu tố cho người quản trị người ta cần những phẩm chất hành chính, tầm nhìn, chứ không phải là những phẩm chất kỹ thuật. Trong khi một người quản lý cần khả năng kỹ thuật và khả năng quản lý mối quan hệ của con người.



– Quản trị thường xử lý các khía cạnh kinh doanh, chẳng hạn như tài chính. Nó có thể được định nghĩa là một hệ thống các tổ chức có hiệu quả con người và nguồn lực, để làm cho họ theo đuổi thành công và đạt được các mục tiêu chung. Quản trị phải kết hợp cả hai lãnh đạo và tầm nhìn.



– Quản lý thực sự là một tập hợp con của quản trị, trong đó có liên quan đến các khía cạnh kỹ thuật và các hoạt động của một tổ chức. Nó khác với công việc điều hành hoặc chiến lược. Quản trị là người quản lý phía trên và thực hiện kiểm soát tài chính và giấy phép của một tổ chức.



– Do đó, chúng ta có thể thấy rằng hai thuật ngữ này khác biệt với nhau, mỗi thuật ngữ có những tính năng riêng của nó. Cả hai chức năng này đều quan trọng, theo đó là sự phát triển của một tổ chức.



Tóm tắt:





Quản lý là hành động hoặc chức năng đưa vào thực tiễn các chính sách và kế hoạch do quản trị quyết định.


Chức năng của quản trị là ra quyết định, chức năng của quản lý là điều hành.


Quản trị đưa ra các quyết định quan trọng của toàn bộ doanh nghiệp, trong khi quản lý đưa ra các quyết định trong giới hạn của công việc do người quản trị thiết lập.




The post Phân biệt giữa Quản trị (Administration) và Quản lý (Management) appeared first on VnResource Blog.





Phân biệt giữa Quản trị (Administration) và Quản lý (Management)

Các tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng cơ bản nhất

Đánh giá nhân viên là khâu kiểm tra, giám sát quy trình, năng lực làm việc của nhân viên dựa trên các tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng. Nhằm biết được nhân viên đó có đảm bảo hiệu quả công việc hay không, đã đạt được những tiêu chí đã đề ra hay không? Việc này giúp nhà quản lý đưa ra kế hoạch dễ dàng nhằm cải thiện chất lượng trong công việc một cách tốt nhất như: Năng lực hoàn thành công việc, thái độ trong quá trình làm việc.



Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá nhân viên hàng tháng khác nhau, sau đây là những tiêu chí cơ bản nhất mà các nhà quản trị doanh nghiệp cần biết:









Mức độ làm việc



Tiêu chí này được đánh giá dựa trên công việc cùng thời hạn làm việc của cá nhân nhân viên. Người quản lý sẽ đánh giá hiệu quả trong công việc mà nhân viên đó đảm nhiệm dựa vào KPI đã đặt ra cho vị trí công việc đó, mỗi một nhân viên khác nhau sẽ có mức độ làm việc khác nhau.



Mức độ hoàn thành công việc



Đây là một tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng cơ bản nhất đối với tất cả các vị trí công việc. Mức độ hoàn thành công việc là điều kiện để người quản lý đánh giá đúng nhất về năng lực làm việc cũng như sự nỗ lực của nhân viên. Từ đó đưa ra kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng và năng lực của nhân viên để họ ngày càng phát triển lên một tầm cao mới.



Phát triển trong công việc



Thông qua KPI mà người quản lý đã đặt ra để đánh giá đúng mức độ làm việc của một nhân viên, sẽ thấy được sự phát triển trong công việc như: đạt được mục tiêu trước hay sau thời hạn, nguyện vọng khi gắn bó với doanh nghiệp, khó khăn mà nhân viên mắc phải,…Điều này giúp nhà quản lý dễ dàng hỗ trợ, đưa ra chính sách đào tạo nhân viên nhằm nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực mình làm.



Tính trung thực của nhân viên



Một nhân viên trung thực trong công việc, cấp trên, là nhân viên luôn được tin tưởng trao phó làm những việc lớn, vì họ luôn nói đúng và làm đúng những kế hoạch được cấp trên đề ra. Đây là một tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng về thái độ làm việc cần được nhà quản lý quan tâm và đánh giá cao.









Sự nhiệt tình



Đây là tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng trong công việc sẽ giúp cho không khí làm việc trở khẩn trương, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình của nhân viên cũng được khách hàng đánh giá cao. Yếu tố này mang đến kết quả cao trong công việc.



Tuân thủ quy định giờ giấc



Giờ giấc chính là yếu tố quan trọng để có thể đánh giá được sự chuyên nghiệp của một nhân viên. Tiêu chí này cũng giúp nhà quản lý đánh giá được khả năng phân bổ thời gian của nhân viên mình.



Đánh giá sự lạc quan



Đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhân viên có tinh thần tích cực luôn là người có thể gắn bó được lâu dài với công ty và họ có sự cầu tiến. Đây là những người cống hiến nhiều, mang đến cho doanh nghiệp một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tích cực và thân thiện hơn.



Thực tế hiện nay, để có được sự đánh giá khách quan, các doanh nghiệp thường áp dụng hệ thống KPI với những tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng để có thể thấy được mức độ hiệu quả làm việc của nhân viên.



Nguồn: MCG



The post Các tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng cơ bản nhất appeared first on VnResource Blog.





Các tiêu chí đánh giá nhân viên hàng tháng cơ bản nhất

Bỏ túi 3 giải pháp tối ưu thời gian làm việc cho nhân viên

Nhân viên của bạn đang sử dụng thời gian thiếu hiệu quả, gây ảnh hưởng tới năng suất làm việc? Đừng quá lo lắng, với 3 phương pháp dưới đây, bạn hoàn toàn có thể chặn đứng tình trạng này.



Cân bằng giữa cuộc sống và công việc? Cụm từ này dường như không hề tồn tại đối với lực lượng lao động của kỷ nguyên mới. Theo một báo cáo của Gallup, tuần làm việc 40 giờ tiêu chuẩn đang trở thành ảo vọng xa xỉ trong đội ngũ nhân công. Thậm chí, ¼ trong số được khảo sát thừa nhận rằng họ đang dành ra tới 50 giờ/ tuần cho công việc.









Bất chấp số giờ làm khủng khiếp, nhiều nhân viên vẫn thừa nhận họ không đạt được hiệu quả công việc như mong muốn. Họ thắc mắc và đôi khi là chán nản với bản thân khi gặp phải tình huống này. Vậy nguyên nhân là do đâu?



Về bản chất, kết quả của công việc không phụ thuộc vào số thời gian bạn bỏ ra, mà là cách bạn sử dụng chúng như thế nào. Một cá nhân với khả năng quản lý thời gian đúng đắn có thể rút ngắn thời lượng làm việc mà vẫn đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với những người còn lại.



Với tư cách là một nhà quản lý, hỗ trợ nhân viên hoàn thành công việc và cân bằng cuộc sống chính là một trong những tác vụ lớn nhất của bạn. Hãy tham khảo ngay những bí quyết tối ưu thời gian dưới đây để giúp đội ngũ của bạn hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời đòi lại những giây phút nghỉ ngơi quý báu ngay hôm nay.



Lên kế hoạch cho mọi thứ, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất



Một trong phương pháp hữu hiệu nhất để bạn có thể giúp nhân viên của mình quản lý thời gian hiệu quả là dạy họ cách ghi lại lịch trình và lên kế hoạch cho công việc cá nhân.



Mọi hoạt động, từ quan trọng như hội họp hay gặp mặt khách hàng, hay nhỏ bé hơn, như trả lời email hay viết báo cáo công việc, đều cần phải được triệt để lưu trữ lại. Những lịch trình được ghi chú rõ ràng sẽ giúp bạn đánh giá được thời gian làm việc của mình trong một ngày, rằng liệu bạn đang hoạt động có hiệu quả hay không. Bản ghi chép này cũng sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho các công việc của mình được chính xác hơn trong những lần kế tiếp, hoàn hảo định lượng số thời gian và công sức mình cần bỏ ra.



Với tác vụ lên kế hoạch làm việc, bạn có thể hướng dẫn nhân viên của mình học tập theo phương pháp ma trận Eisenhower của cố tổng thống Mỹ: Thay vì lên kế hoạch và gắng sức giải quyết tất cả khối lượng công việc trong cùng một lần, hãy luôn sắp xếp và hoàn thành các nhiệm vụ theo mức độ quan trọng của chúng. Trong đó bao gồm:



Nhiệm vụ phải làm ngay lập tức: Khẩn cấp và quan trọng



Nhiệm vụ cần được lên kế hoạch để làm: Quan trọng nhưng không phải khẩn cấp



Nhiệm vụ nên bàn giao cho người khác: Khẩn cấp nhưng không quan trọng



Nhiệm vụ phải được loại bỏ: Không khẩn cấp cũng không quan trọng









Sơ đồ ma trận Eisenhower giúp lập kế hoạch làm việc hiệu quả



Trong thực tế, rất khó để bạn có thể loại bỏ những nhiệm vụ đang làm lãng phí thời gian nếu một cá nhân không theo dõi được sát sao công việc của mình. Bởi vậy, việc kết hợp giữa hai hình thức ghi chép lịch trình và lên kế hoạch làm việc sẽ giúp bạn không chỉ tối ưu được thời gian của bản thân mà còn là cả những công việc mình đang đảm nhận, ưu tiên những tác vụ có nhiều ý nghĩa và lược bỏ phần không thực sự đem lại kết quả.



Chia nhỏ công việc và tập trung cao độ trong thời gian ngắn



Việc bị “bội thực” công việc và loay hoay giải quyết chúng trong hoảng loạn là một trong những nguyên nhân gây lãng phí thời gian hàng đầu của nhân viên nơi công sở. Nếu đội ngũ của bạn đang gặp phải vấn đề tương tự, hãy thử nghiệm ngay phương pháp Pomodoro dưới đây.



Pomodoro, được giới thiệu bởi Francesco Cirillo vào năm 1980, là 1 phương pháp quản trị thời gian để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc. Nguyên lý hoạt động cơ bản của Pomodoro là việc chia các công việc lớn, cồng kềnh thành các phần nhỏ, dễ giải quyết hơn trong một khoảng thời gian xác định. Cụ thể, chúng gồm 5 bước:







Bước 1: Lựa chọn công cần làm




Bước 2: Chia công việc thành các phần nhỏ. Thiết lập bộ đếm thời gian để làm các phần công việc đã chia, thông thường là 25 phút/ phần (mỗi 25 phút này được gọi là một phiên làm việc Pomodoro)




Bước 3: Hoàn thành phần công việc trong vòng 25 phút




Bước 4: Nghỉ giải lao 5 phút trước khi bắt tay vào làm phần công việc tiếp theo




Bước 5: Sau 4 phiên nghỉ giải lao ngắn 5 phút, là một phiên nghỉ dài từ 15 đến 30 phút










Tối ưu thời gian làm việc bằng phương pháp Pomodoro



Để đảm bảo áp dụng phương pháp này có hiệu quả, bạn cần phải tuân thủ 4 nguyên tắc Pomodoro sau:







Nguyên tắc 1: Một phiên làm việc Pomodoro khi bị gián đoạn sẽ được tính lại từ đầu. Phiên làm việc này không thể được chia thành các phần nhỏ hơn, như ½ hay ⅓ Pomodoro.




Nguyên tắc 2: Chỉ tập trung làm 1 phần công việc duy nhất trong một phiên Pomodoro đã định.




Nguyên tắc 3: Nếu hoàn thành công việc xong trước khi phiên Pomodoro kết thúc, hãy dùng thời gian còn lại để kiểm tra và tối ưu hóa thành quả.




Nguyên tắc 4: Trong các khoảng thời gian nghỉ (nghỉ 5 phút, 10 phút), bạn cần phải nghỉ ngơi thực sự, hoặc thư giãn bằng những hoạt động đơn giản, không cần sử dụng tư duy nhiều, như đi dạo hay nghe nhạc,… Khi nghỉ, tuyệt đối tránh mọi thứ liên quan tới Internet, Facebook… vì chúng có thể sẽ kích thích sự hưng phấn của bạn, song bản chất vẫn làm bộ não thêm mệt mỏi.




Không chỉ với nhân viên, ngay cả người làm công tác quản lý như bạn cũng có thể ứng dụng phương pháp Pomodoro để tối ưu thời gian làm việc. Cùng sự phát triển của công nghệ, hiện nay đã có những ứng dụng, như Be Focused, giúp người dùng tự động hóa tất cả các bước triển khai Pomodoro. Vậy nên, đừng quá hoảng loạn khi bạn cảm thấy mình có quá ít thời gian để xử lý đống công việc chồng chất. Thử nghiệm Pomodoro sẽ giúp bạn giải quyết nỗi lo này trong chốc lát!



Đặt ra giới hạn làm việc cho bản thân



Thú thật đi, bạn vẫn tiếp tục phản hồi lại tất cả tin nhắn và email công việc sau giờ làm đúng không? Và tất nhiên, nhân viên của bạn cũng vậy. Chính sự hữu dụng của công nghệ là thủ phạm khiến chúng ta mất đi sự riêng tư cần thiết này. Theo một nghiên cứu gần đây, một nhân viên trung bình dành 4,1 giờ để kiểm tra và phản hồi mỗi ngày, tức là hơn một nửa số giờ làm việc chính thức chỉ dành việc này.



Tất nhiên, việc phản hồi tất cả những thông tin nhận được ngay lập tức là thể hiện sự chuyên nghiệp trong cung cách làm việc, tuy nhiên, nếu để chúng thâm dụng quá nhiều thời gian của bản thân thì lại là chuyện khác.









Harvard Business Review phát hiện ra rằng những nhân viên thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính có nguy cơ bị kiệt sức (về cả thể chất và tinh thần) nhiều hơn đáng kể so với những đồng nghiệp của họ. Càng lấn sâu vào công việc vào cuối ngày, họ càng dễ uể oải, mất tập trung và gặp khó khăn trong các hoạt động vào ngày kế tiếp. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụt giảm hiệu suất làm việc then chốt không chỉ của cá nhân mà còn là cả đội nhóm.



Để hạn chế tình trạng này, hãy khuyến cáo nhân viên của bạn thiết lập những ranh giới thời gian cụ thể cho bản thân: Khi làm việc, họ cần tập trung cao độ và cố gắng hết sức mình. Nhưng khi đã hết giờ hành chính, hãy tạm thời tránh xa công tác nghiệp vụ và dành cho mình những khoảng không gian tĩnh để cân bằng giữa công việc bộn bề và cuộc sống thường nhật. Điều này có ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của nhân viên, góp phần đẩy lùi tình trạng kiệt quệ tinh thần thường thấy ở họ sau những chuỗi ngày làm việc căng thẳng.



Tạm kết



Tận dụng được nguồn tài nguyên thời gian chính là điểm mấu chốt tách biệt những người thành công và phần còn lại. Để phát triển và đào tạo nhân viên hiệu quả, cũng như tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển trong tương lai, một nhà quản lý cần phải có nhiệm vụ giúp đỡ nhân viên tối ưu hóa thời gian làm việc cá nhân. Hi vọng, với 3 phương pháp đơn giản trên đây, bạn có thể nhanh chóng áp dụng và chuyển tải lại thông điệp quan trọng này tới đội nhóm của mình.



Nguồn: Resources base



The post Bỏ túi 3 giải pháp tối ưu thời gian làm việc cho nhân viên appeared first on VnResource Blog.





Bỏ túi 3 giải pháp tối ưu thời gian làm việc cho nhân viên

“Xanh hóa” chốn công sở và những lợi ích bất ngờ

Cuộc sống phát triển với những văn phòng làm việc hiện đại, mà ở đó nhiệt độ và ánh sáng ngày cũng như đêm, thậm chí mùa đông cũng có thể giống như mùa hè và ngược lại. “Xanh hóa” chốn công sở không chỉ mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên mà còn có nhiều ích lợi cho sức khỏe và tinh thần.



Xanh hóa chốn công sở không chỉ là xu hướng mang đến giá trị thẩm mỹ mà còn nhiều lợi ích tuyệt vời khác cho sức khỏe và tinh thần. Thiết kế không gian xanh hợp lý, văn phòng sẽ thực sự trở thành “ngôi nhà thứ hai” đối với rất nhiều nhân viên.









Môi trường trong lành



Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của cây xanh trong văn phòng làm tăng độ ẩm không khí, tạo ra một độ ẩm phù hợp với sự thoải mái của con người, từ 30- 60%. Các phòng làm việc kín không cây xanh chứa nhiều hơn khoảng 50-60% nấm mốc và vi khuẩn trong không khí so với các phòng làm việc được bố trí cây xanh hợp lý.



Đem cây xanh vào không gian công sở không chỉ góp phần tăng sự sang trọng, gần gũi với thiên nhiên mà còn giúp lọc các chất độc từ thuốc lá, máy in, hấp thụ tia phóng xạ từ hệ thống máy tính…



Cây xanh được chứng minh trong việc giúp giảm bớt tiếng ồn trong văn phòng bằng cách làm phân tán âm thanh… Đây là kết quả được ghi nhận sau nhiều nghiên cứu của tiến sĩ Helen Russell, đại học Oxford và David Uzzell, đại học Surrey – Anh.



Tăng hiệu quả công việc



Theo nghiên cứu từ Đại học Texas (Mỹ), những người làm việc trong một môi trường có cây xanh làm việc hiệu quả hơn 12% và ít cảm thấy bị căng thẳng hơn so với những người làm việc ở văn phòng không có cây xanh. Không chỉ tăng tính thẩm mĩ, làm “mát mắt” sau những giờ chăm chú vào màn hình, cây xanh còn giúp nhân viên giải phóng những áp lực, giảm stress, tinh thần sảng khoái và sáng tạo hơn, từ đó phát huy tối đa khả năng làm việc.



Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở môi trường có nhiều cây xanh nhân viên ít mắc lỗi hơn, tiến độ công việc được hoàn thành sớm hơn, hiệu suất của nhân viên làm việc trên máy tính tăng lên. Sự tập trung cao độ có thể là do sự giảm thiểu khí CO2 trong không khí nhờ quá trình hô hấp của cây xanh.



Nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn









Theo kết luận của một nghiên cứu gần đây tại trường Đại học Queensland (Úc), trang trí và sắp đặt cây xanh trong văn phòng làm việc thực sự có thể làm cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn đồng thời giúp tăng năng suất lao động lên tới 15%. Giáo sư tâm lý học Alex Haslam (Đại học Queensland), đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Văn phòng làm việc có nhiều cây xanh cho các nhân viên thấy rằng các nhà tuyển dụng đang quan tâm đến họ và phúc lợi của họ. Không những thế, những kiểu văn phòng này tạo không gian thoải mái, thoáng mát từ đó giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn”.



Xu hướng “xanh hóa” chốn công sở



Nhận thấy những lợi ích thiết thực ấy mà hiện nay nhiều doanh nghiệp rất chú trọng đến việc bài trí nơi làm việc có thật nhiều cây xanh. Xanh hóa không gian, văn phòng thân thiện với môi trường, làm giảm phát thải carbon đang là xu hướng phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để biến những “chiếc hộp văn phòng” đơn điệu thành nơi làm việc dịu mát và có dấu ấn riêng, nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra một khoản phí không nhỏ.



Tầng thượng trên văn phòng thường là khu vực ít ai ghé tới. Hãy thử đặt trên đó những chậu cây xanh, tần suất ghé thăm của các thành viên trong công ty sẽ tăng lên. Với không gian này, mọi người có thể ngồi nhâm nhi tách cà phê và chấn tĩnh lại tâm thức của mình. Kết hợp không gian xanh vào môi trường làm việc cũng đã được chứng minh là giúp nhân viên phục hồi nhanh chóng sau căng thẳng, tăng sự kiên nhẫn và sự hài lòng với cuộc sống.



Trong nhịp sống hiện đại, ai cũng mong muốn được sống, được làm việc trong một không gian gần gũi với thiên nhiên. Hiện nay có rất nhiều loại cây cảnh phát triển tốt trong môi trường nhà kính và văn phòng, thậm chí môi trường có điều hòa hoạt động liên tục. Không gian văn phòng xanh đóng một vai trò then chốt trong việc bù đắp các hiệu ứng giảm nhiệt do quá trình đô thị hóa.



Nguồn: HR Insider



The post “Xanh hóa” chốn công sở và những lợi ích bất ngờ appeared first on VnResource Blog.





“Xanh hóa” chốn công sở và những lợi ích bất ngờ

Học từ Dell – sử dụng kênh “nhân viên” cho chiến dịch tuyển dụng

Dell đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng bằng cách tạo ra môi trường phát triển sự nghiệp thuận lợi đi cùng với sự quan tâm đến đời sống cá nhân của mỗi nhân viên.



3 điều tuyệt vời khi làm việc ở Dell



“Linh hoạt” là giá trị đầu tiên khi nói về môi trường làm việc tại Dell. Sự linh hoạt cho phép mạng lưới nhân viên của Dell trải rộng ra khắp toàn cầu. Họ có thể làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, miễn sao chất lượng công việc được đảm bảo. Điều này đặc biệt có lợi cho các nhân viên đã làm mẹ, khi họ có thể tiếp tục làm việc cho Dell mà vẫn đảm bảo quỹ thời gian dành cho con cái, gia đình.



“Bình đẳng” là giá trị thứ hai được Dell coi trọng, thể hiện qua sự xuất hiện của 13 ERG trên toàn thế giới (Employee Resource Group, là nhóm những nhân viên có chung đặc điểm). Các nhóm này giúp kết nối nhân viên có chung mối quan tâm như bình đẳng giới, cộng đồng các châu lục, nhóm cựu chiến binh, cộng đồng LGBT… Dell cho thấy sự quan tâm bình đẳng đến tất cả nhu cầu liên quan đến nhân viên của mình.









“Bình đẳng” là một trong ba EVP của Dell



“Tinh thần khởi nghiệp” là điều tuyệt vời thứ ba mà Dell dành cho nhân viên. Với một công ty về công nghệ – lĩnh vực có tốc độ phát triển rất nhanh, Dell hiểu rằng họ phải luôn luôn thay đổi. Dell khuyến khích nhân viên đóng góp ý kiến vào các dự án họ đang thực hiện. Mặt khác, Dell cho phép mỗi nhân viên đưa ra những quyết định mà không cần xin chỉ đạo từ cấp trên, rèn cho họ khả năng thích ứng cao trước mọi tình huống.



Nhân viên – Những đại sứ thương hiệu nhà tuyển dụng trên mạng xã hội









Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo về mạng xã hội của Dell



Bắt kịp với xu hướng coi mạng xã hội như một kênh tuyển dụng, Dell chú trọng đến việc đào tạo nhân viên cách sử dụng hiệu quả công cụ này. Đội ngũ tuyển dụng đã kết hợp với bộ phận Mạng xã hội và Cộng đồng (SMaC – Social Media and Communities) tổ chức những khóa huấn luyện về tâm lý người dùng mạng xã hội, các nền tảng mạng xã hội mới hoặc các vấn đề pháp lý phát sinh… Sau khi nhân viên hoàn thành chứng chỉ này, đội ngũ đào tạo của SMaC sẽ tiếp tục tổ chức các buổi học kéo dài 60 phút trong nhiều tháng, đào tạo thêm về kiến thức nâng cao.



Sean Carey, Trưởng nhóm Hướng dẫn và Phát triển Nội dung của khóa học này cho biết: “Mạng xã hội là một cuộc thi marathon. Sẽ cần nhiều thời gian và công sức để một người xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội phản ánh được đúng giá trị doanh nghiệp của người ấy.”









Joanne Mortell, một nhân viên tại Dell Ireland, phụ trách @lifeatdell trong một tuần



Ngoài ra, Dell cũng triển khai một dự án trên Instagram, cho phép mỗi nhân viên quản lý tài khoản @lifeatdell của công ty và lên kế hoạch đăng bài trong một tuần. Điều này không chỉ nâng cao kiến thức về mạng xã hội mà còn xây dựng lòng tự hào khi trở thành thành viên của Dell.



Những kết quả khả quan



Phương pháp xây dựng thương hiệu tuyển dụng bằng chính nhân viên đã đem lại cho Dell những kết quả tích cực. Trong một cuộc phỏng vấn với bà Jennifer Newbill – phụ trách tuyển dụng trên toàn cầu của Dell, bà cho biết giới thiệu ứng viên thông qua nhân viên đã trở thành kênh tuyển dụng hiệu quả nhất của Dell.



Số lượng nhân viên được tuyển qua hình thức này trên toàn thế giới đã tăng 50-125%, tỉ lệ nhân viên giới thiệu các ứng viên khác gia nhập Dell cũng tăng từ 19% năm 2010 lên 38% năm 2016. Cách làm này cũng tiết kiệm được cho Dell 25% tổng chi phí tuyển dụng (cost-per-hire), bao gồm chi phí tiếp cận ứng viên, phí di chuyển, phí tổ chức thi tuyển… và 80% chi phí tìm kiếm ứng viên.



Một nghiên cứu nội bộ tại Dell đã chỉ ra, nhân viên càng cảm thấy gắn bó với công ty sẽ càng có xu hướng giới thiệu bạn bè và người quen về công ty của họ. Khi mỗi nhân viên đều đã trở thành đại sứ thương hiệu, Dell khiến họ kiêm luôn nhiệm vụ của những nhà tuyển dụng hiệu quả, mang hình ảnh năng động của Dell đến với những ứng viên tiềm năng.



Nguồn: BlueC



The post Học từ Dell – sử dụng kênh “nhân viên” cho chiến dịch tuyển dụng appeared first on VnResource Blog.





Học từ Dell – sử dụng kênh “nhân viên” cho chiến dịch tuyển dụng

Hướng dẫn xác định thuế TNCN với cá nhân không cư trú

Đây là nội dung chính tại Công văn 53587/CT-TTHT được Cục thuế TP. Hà Nội ban hành ngày 08/7/2019 vừa qua.









Xác định thuế TNCN với cá nhân không cư trú (Ảnh minh họa)



Theo đó, thuế TNCN của cá nhân không cư trú không được nhận tiền lương, tiền công hay phụ cấp cho khoảng thời gian làm việc tại Việt Nam được xác định theo công thức:



Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế x Thuế suất 20%



Trong đó, thu nhập chịu thuế là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền mà được đơn vị sử dụng lao động hỗ trợ.



Ví dụ tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ (nếu có), không gồm các khoản lợi ích kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.



Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.



Ngoài ra, tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở được đơn vị sử dụng lao động trả hộ sẽ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.



Nguồn: Luật Việt Nam



The post Hướng dẫn xác định thuế TNCN với cá nhân không cư trú appeared first on VnResource Blog.





Hướng dẫn xác định thuế TNCN với cá nhân không cư trú

Hướng dẫn doanh nghiệp tính chi phí được trừ khi mua hàng trực tuyến

Đây là nội dung quan trọng được nêu tại Công văn 53582/CT-TTHT do Cục thuế TP. Hà Nội ban hành ngày 08/7/2019.









Doanh nghiệp Việt Nam kê khai nộp thuế khi mua hàng trực tuyến



Theo đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam mua phần mềm qua website của nhà cung cấp nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam:



– Có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài.



– Được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nếu thực tế khoản chi phí đó liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đáp ứng điều kiện về hóa đơn, chứng từ và thanh toán.



Nếu không có hóa đơn do các nhà cung cấp nước ngoài không dùng hóa đơn tại Việt Nam thì phải có tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định.



Ngoài ra, nếu doanh nghiệp Việt Nam đặt phòng khách sạn qua các website cung cấp dịch vụ tại Việt Nam của nước ngoài như Agoda, Booking.com… thì các khách sạn có trách nhiệm lập hóa đơn.



Chi phí đặt phòng này là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện:



– Khoản chi thực tế liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;



– Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp;



– Phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với khoản chi có hóa đơn mua hàng, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên…



Công văn này được ban hành ngày 08/7/2019.



Nguồn: Luật Việt Nam



The post Hướng dẫn doanh nghiệp tính chi phí được trừ khi mua hàng trực tuyến appeared first on VnResource Blog.





Hướng dẫn doanh nghiệp tính chi phí được trừ khi mua hàng trực tuyến

4 chính sách mới có hiệu lực từ 15/7/2019 công chức, doanh nghiệp cần lưu ý

Một trong những chính sách nổi bật có hiệu lực hôm nay là Thông tư về cách tính lương mới cho các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước.



1- Cán bộ, công chức được áp dụng cách tính lương mới



Theo đó, lương, phụ cấp của cán bộ, công chức sẽ được thực hiện theo Thông tư 04/2019/TT-BNV ban hành ngày 24/5/2019 vừa qua. Cụ thể:



Mức lương hàng tháng = 1,49 triệu đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng



Mức phụ cấp hàng tháng = 1,49 triệu đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng



Mức phụ cấp khác = (Lương thực tế + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + Phụ cấp thâm niên vượt khung) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng



Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu = 1,49 triệu đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có)



Mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân = 1,49 triệu đồng/tháng x Hệ số hoạt động phí.









Áp dụng cách tính lương mới với cán bộ, công chức



2- Không sửa chữa ngày sinh của công chức là Đảng viên



Nội dung này được đề cập tại Thông tư 06/2019/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức có hiệu lực từ hôm nay.



Cụ thể, không thực hiện việc sửa chữa, điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ đối với công chức là đảng viên, mà thống nhất xác định ngày, tháng, năm sinh (tuổi) theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.



Ngoài ra, Thông tư còn đề cập đến một số giấy tờ quan trọng khác làm căn cứ sửa hồ sơ công chức như giấy khai sinh, Lý lịch cán bộ, công chức…



3- Hồ sơ viên chức phải có văn bản xác nhận quan hệ xã hội



Thông tư 07/2019/TT-BNV quy định chi tiết các văn bản bắt buộc phải có trong hồ sơ của viên chức đang công tác, cụ thể:



– Phiếu bổ sung lý lịch viên chức (do viên chức kê khai bổ sung định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý);



– Bản sao các quyết định bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật…



– Bản tự kiểm điểm, tự nhận xét, đánh giá hàng năm;



– Bản nhận xét, đánh giá, phân loại viên chức hàng năm của cơ quan có thẩm quyền;



– Bản kê khai tài sản đối với viên chức bắt buộc kê khai tài sản;



– Đơn, thư kèm theo các văn bản xác minh, kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến viên chức và gia đình được phản ánh trong đơn, thư;



– Văn bản khác có liên quan trực tiếp đến quá trình công tác và các quan hệ xã hội của viên chức.



4- Buộc chấm dứt tư cách thành viên giao dịch là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất



Thông tư 30/2019/TT-BTC quy định 04 hình thức xử lý kỷ luật đối với thành viên giao dịch công cụ nợ tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán và buộc chấm dứt tư cách thành viên.



Thành viên giao dịch chịu hình thức xử lý kỷ luật cao nhất khi thuộc một trong các trường hợp:









– Không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch;



– Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm mang tính hệ thống các quy định về thành viên giao dịch công cụ nợ;



– Giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động; tổ chức chấm dứt tồn tại sau khi chia, sáp nhập, hợp nhất; tổ chức hình thành sau khi tách, sáp nhập không đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch…



Thông tư này có hiệu lực từ hôm nay – 15/7/2019.



Nguồn: Luật Việt Nam



The post 4 chính sách mới có hiệu lực từ 15/7/2019 công chức, doanh nghiệp cần lưu ý appeared first on VnResource Blog.





4 chính sách mới có hiệu lực từ 15/7/2019 công chức, doanh nghiệp cần lưu ý

Tuyệt chiêu giải quyết nhanh gọn 5 loại tin đồn thường gặp trong doanh nghiệp

Đừng kỳ vọng không bao giờ xuất hiện tin đồn trong doanh nghiệp bạn. Hãy nắm chắc trong tay tuyệt chiêu xử lý chúng thì tốt hơn!



99% các nơi làm việc đều tồn tại các tin đồn, từ những thứ to tát ác ý cho tới những tin đồn vu vơ được tạo ra nhằm thoả mãn thú vui tán chuyện của các nhân viên rảnh rỗi.



Dường như mọi người không có gì thú vị hơn để làm và họ chọn cách buôn chuyện về nhau. Họ suy đoán về tương lai của công ty, liệu đồng nghiệp có bị sa thải hay không, quản lý của họ đang làm gì trong cuộc sống cá nhân ngoài công việc. Và bạn dù có nỗ lực đến đâu chăng nữa, cũng chắc chắn không thể quản lý hết được những điều này.



Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi nhân viên thường không “sao chép” 100% sự thật mà biến tấu hoặc thêm thắt vào một số thông tin sai lệch. Thông tin đó nhanh chóng lan truyền từ người này tới người khác và biến thành một tin đồn thất thiệt – nhiều khi chẳng đúng được phần nào.









Tin đồn trong doanh nghiệp thường sai lệch rất nhiều so với sự thật



Trên thực tế, việc dập tắt hoàn toàn tin đồn giữa các nhân viên là điều bất khả thi, nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng các tuyệt chiêu để hạn chế điều này – và quan trọng hơn nữa, ngăn chặn tình huống này lặp lại lần sau.



Dưới đây là 5 loại tin đồn phổ biến nhất trong doanh nghiệp và cách bạn có thể xử lý chúng hiệu quả.



1. Tin đồn về đồng nghiệp bị sa thải



Tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên (turnover rate) tồn tại trong tất cả các môi trường làm việc, dù ở một số doanh nghiệp có con số này cao hơn những nơi khác. Thi thoảng, một số công ty xuất hiện tình trạng nhân viên nghỉ việc hàng loạt nhưng sau đó mọi thứ lại trở về quỹ đạo ban đầu.



Nhân viên của bạn có thể biết (hoặc nghĩ rằng họ biết) một vài điều về hoàn cảnh dẫn đến việc đồng nghiệp của họ chủ động rời đi hoặc bị sa thải. Hoặc dựa trên kinh nghiệm và các tình huống đã xảy ra trong quá khứ, họ có thể lan truyền tin đồn về ai đó mà họ nghĩ sẽ nghỉ việc trong tương lai gần.



Những loại tin đồn này có thể lan truyền nỗi sợ hãi và lo lắng trong tập thể. Nhân viên của bạn có thể bắt đầu hành động dè dặt hơn, ít nói hơn bình thường và âm thầm để ý đến các cơ hội việc làm mới.



Với các cá nhân đang lo sợ bị sa thải, năng suất làm việc chắc chắn sẽ giảm mạnh vì “Mọi sự cố gắng đều là vô nghĩa. Đằng nào mình chẳng phải cuốn gói khỏi nơi này.



Cách bạn có thể xử lý loại tin đồn này:





Hãy trấn an đội nhóm của bạn bằng cách thừa nhận và đồng cảm với lo lắng của họ. Nói với họ một cách trung thực những gì bạn biết và những gì bạn không biết về câu chuyện xoay quanh tin đồn.






Tiếp theo, sẵn sàng hỗ trợ thông tin cho nhân viên. Nếu có câu hỏi mà bạn chưa thể trả lời ngay bây giờ, hãy cho nhân viên biết rằng bạn sẽ sớm tìm ra và trả lời họ vào đúng lịch hẹn.




2. Tin đồn về mối quan hệ riêng tư giữa các cá nhân



Trong một môi trường làm việc lý tưởng, công việc và cuộc sống đời thường sẽ tách biệt với nhau. Nhưng thật không may, không có nơi làm việc nào là hoàn hảo; có nghĩa là hai yếu tố này luôn đan xen vào nhau và bằng một cách nào đó, tạo ra cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực.



Nếu như tại nơi làm việc có hai người đang dành cho nhau một lượng thời gian nhiều hơn với những người khác, sẽ có những người cho rằng giữa họ không phải là tình bạn – tình đồng nghiệp thông thường. Sự thêu dệt sẽ càng được đà lấn tới nếu đối tượng của tin đồn ngẫu nhiên cùng ở lại tăng ca, tới văn phòng check-in cùng nhau hoặc được bắt gặp đi cùng nhau trên một tuyến phố.



Tin đồn này sẽ xoay quanh hàng tá suy đoán, phổ biến nhất là mối quan hệ hẹn hò, yêu đương vụng trộm, hoặc thậm chí là nịnh nọt nếu một trong hai người có vị trí cao.



Nếu tin đồn về mối quan hệ giữa các cá nhân trong công ty lan rộng, danh tiếng của họ sẽ bị tổn hại. Sự mập mờ khó hiểu này cũng phản ánh không tốt về văn hoá công ty.









Tin đồn có thể biến một mối quan hệ đồng nghiệp bình thường thành hết sức bất thường



Cách bạn có thể xử lý loại tin đồn này:





Dành thời gian để tìm hiểu những tin đồn này là gì. Dẹp bỏ các phiên bản khác nhau của tin đồn bằng cách khẳng định sự thật (với những tình huống có thể công khai).






Tìm ra những nhân viên góp phần nhiều nhất vào việc lan truyền tin đồn hoặc đưa ra bằng chứng giả, nghiêm khắc xử lý tuỳ theo tính nghiêm trọng của sự việc.






Một lần nữa nhắc nhở nhân viên về quy định của công ty – cũng là kỳ vọng của bạn tại nơi làm việc: Không tọc mạch, soi mói vào đời tư của người khác.




3. Tin đồn về sự tiêu cực trong công ty



Mặc dù hầu hết nhân viên đều biết rõ về hậu quả nếu lan truyền thông tin sai lệch về công ty, nhưng dường như chính mức độ nghiêm trọng đó lại khiến loại tin đồn này lại trở nên hấp dẫn.



Nhân viên của bạn có thể không quan tâm tới đời tư của đồng nghiệp nhưng họ luôn quan tâm về công ty, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ.



Có nhiều loại tin đồn khác nhau về công ty. Ví dụ, một nhân viên có thể nhận được email từ trụ sở với nội dung có vẻ như đe dọa đến tương lai của chi nhánh đó. Chắc hẳn nhân viên đó sẽ không giữ kín thông tin một mình. Tốc độ lan truyền thông tin và phần trăm sai lệch sự thật càng lúc càng tăng.



Một ví dụ khác phổ biến hơn, trong công ty xuất hiện tin đồn về điều mà nhân viên cho rằng là bí mật được giấu kín: công ty từng có vết nhơ gian lận trong quá khứ, một thương vụ làm ăn phi pháp, tồn tại bè phái tranh chấp lợi ích hay một đường dây tham nhũng tài chính ngầm,… Mỗi một tin đồn kiểu vậy, đều là một mối đe doạ rất lớn cho sự sống còn của doanh nghiệp.



Không chỉ ảnh hưởng tới tinh thần của nhân viên, các cấp quản lý cũng có thể mất tập trung trước loại tin đồn này. Quản lý cấp trung nghĩ rằng CEO đã giấu giếm họ, nhà lãnh đạo cấp cao lại nảy sinh ngờ vực với chân tay tín nhiệm của mình.



Và những tin đồn như vậy có khả năng cao sẽ bị lọt ra ngoài nội bộ công ty, đến tai một doanh nghiệp cạnh tranh, đối tác làm ăn hoặc các nhà đầu tư. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau đó, bởi như đã nói ở trên, tin tức nhạy cảm về công ty luôn là chủ đề được săn đón ở mọi mặt trận.









Các tin đồn tiêu cực về doanh nghiệp có thể dẫn tới hậu quả khôn lường



Cách bạn có thể xử lý loại tin đồn này:





Xác định người đầu tiên tung ra tin đồn về công ty của bạn. Đối chất trực tiếp với người đó trong một cuộc gặp mặt riêng tư để đánh giá độ tin cậy của tin đồn.






Nếu tin đồn là bịa đặt hoàn toàn hoặc không có cơ sở, nghiêm khắc xử lý cá nhân đó theo kỷ luật doanh nghiệp tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của tin đồn. Nếu tin đồn có khả năng là một sự thật mà bạn chưa biết chính xác, nói rằng bạn sẽ tìm hiểu thêm và yêu cầu họ ngừng việc lan truyền ra ngoài.






Khoanh vùng những ai đã nghe được và đang góp phần lan truyền tin đồn. Trấn an tinh thần họ rằng bạn đã biết điều đó, những tin đồn kia không phải là sự thực và không hề đe doạ tới công ty. Hứa hẹn bạn sẽ sớm phản hồi lại cho họ về kết quả giải quyết cuối cùng. Yêu cầu họ trong thời gian đó phải tuyệt đối kín miệng, tránh việc lan truyền tin đồn rộng thêm.






Thắt chặt chính sách công ty về các hành vi có liên quan tới tin đồn doanh nghiệp. Xử lý nghiêm khắc một cá nhân để làm gương nếu cần.




4. Tin đồn về cắt giảm hoặc gia tăng ngân sách



Việc linh hoạt cắt giảm hoặc gia tăng ngân sách các bộ phận có thể là một chiến lược cần thiết để giữ doanh nghiệp bền vững và tăng trưởng trong các thời điểm nhạy cảm khác nhau.



Tuy nhiên, ngay cả khi ban lãnh đạo công ty chưa chính thức ban hành chính sách nào, trong nhân viên đã có thể xuất hiện tin đồn về việc cắt giảm hoặc gia tăng ngân sách sắp xảy ra, dựa trên kinh nghiệm về hoàn cảnh tương tự trong quá khứ.



Tin đồn này sẽ thay đổi tâm lý trong toàn bộ bộ phận: sự lo lắng, thất vọng khi lo sợ bị cắt giảm nguồn tiền hoặc kỳ vọng “ảo” về điều không hề xảy ra trong tương lai. Thậm chí, giữa các bộ phận khác nhau còn có thể nảy sinh mâu thuẫn, ganh tị nếu tin đồn nói rằng có sự phân biệt tăng giảm khác nhau giữa các phòng.



Cách bạn có thể xử lý loại tin đồn này:





Tìm ra thủ phạm của tin đồn. Nói chuyện riêng với họ và xác nhận rõ ràng mọi thứ đều chỉ chính xác khi công ty thông báo chính thức, và việc tung tin đồn chưa có cơ sở là sai trái.






Đính chính lại thông tin trước toàn thể các bộ phận nơi tin đồn đã lan truyền đến.






Truyền thông về văn hoá minh bạch trong công ty. Khẳng định rằng bất cứ thay đổi gì trong chính sách sẽ đều được thông báo nhanh chóng tới tất cả mọi người, chứ không cần phải nghe tin đồn từ ai đó.




5. Tin đồn về chương trình khuyến mãi áp dụng cho sản phẩm/dịch vụ



Doanh nghiệp của bạn có thể đang lên kế hoạch triển khai chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm/dịch vụ và nhân viên của bạn có thể nghe ngóng được một phần về nó. Vấn đề sẽ xảy ra khi nhân viên nói rằng đầu tháng tới sẽ có khuyến mãi chào hè, trong khi thực chất tới quý sau công ty mới áp dụng cho dịp đón năm học mới.



Nói cách khác, tin đồn về chương trình khuyến mãi rất dễ bị sai lệch trên 3 yếu tố: thời gian, mục đích và các thông tin chi tiết bên trong.



Tin đồn loại này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của công ty bạn, vì vậy hãy cẩn thận. Chẳng ai muốn đối diện với lời khiếu nại của khách hàng, rằng công ty này hứa hẹn giảm giá 50% cho tôi nhưng sau đó lại từ chối.



Cách bạn có thể xử lý loại tin đồn này:





Hãy đánh giá tình hình trước. Tìm hiểu những thông tin sai lệch nào đã được lan truyền trong nội bộ và tiếp cận tới khách hàng bên ngoài.






Nói chuyện riêng với các nhân viên đã hiểu nhầm về chương trình khuyến mãi. Nói rằng bạn kỳ vọng họ sẽ chú ý hơn tới các chính sách của công ty, chỉ được phép triển khai hành động khi và chỉ khi nhận được chỉ đạo.






Cải tiến quy trình phổ biến chính sách tới nhân viên nếu cần thiết.






Trong trường hợp tin đồn đã tạo ra kỳ vọng ảo cho khách hàng, hãy hoàn thành mong đợi của họ để giữ sự hài lòng nếu có thể, hoặc công khai xin lỗi và đền bù cho họ một quà tặng nhỏ hơn.










Phần kết



5 loại tin đồn trên là mầm bệnh tồn tại trong hầu hết các doanh nghiệp, có nguy cơ bùng phát thành một cơn sốt, một căn bệnh hoặc thậm chí là một dịch bệnh nghiêm trọng.



“Phòng bệnh còn hơn tránh bệnh”. Xử lý tin đồn trong doanh nghiệp không thể chỉ là dùng quyền lực cưỡng chế mà phải khéo léo hơn, bắt đầu từ việc truyền thông nội bộ rõ ràng cho tất cả nhân viên từ trước đó. Nếu bạn đã xây dựng được văn hoá minh bạch, cởi mở trong công ty, những tin đồn chỉ còn là cố tình, hy hữu và dễ dàng giải quyết hơn rất nhiều.



Nguồn: resources.base



The post Tuyệt chiêu giải quyết nhanh gọn 5 loại tin đồn thường gặp trong doanh nghiệp appeared first on VnResource Blog.





Tuyệt chiêu giải quyết nhanh gọn 5 loại tin đồn thường gặp trong doanh nghiệp

Gen Z sắp tới sẽ thay đổi cuộc chiến văn phòng ra sao?

Nơi làm việc cũng là nơi thư giãn, không có kiểu làm việc “8-5″ hay chờ thang máy 15 phút để quẹt vân tay rồi đi ăn sáng!



“8-5″ là dạng người cứ 8 giờ sáng lên văn phòng, đúng 5 giờ chiều “cắp mông” về. Ở những tòa văn phòng đông đúc, tình cảnh chờ thang máy 15 phút để chen chúc lên văn phòng quẹt vân tay rồi lại xuống ăn sáng khá phổ biến. Tuy nhiên, một làn sóng văn phòng mới đang hình thành nhằm thích ứng và níu chân các nhân tài thế hệ Z (Gen Z)…



8 giờ kém 5 phút, thang máy số 6 của một tòa nhà văn phòng trên đường Ngụy Như Kon Tum mở cửa tại tầng 1, người cầm bánh mỳ, kẻ cầm xôi, người cầm hộp đựng cơm trưa ùn ùn đẩy nhau lao vào bên trong. “Từ từ để người bên trong ra đã“. “Tôi đang mang bầu. Đừng đẩy!” “Đừng đẩy” – một vài người lớn tiếng.



Khi dàn người nhung nhúc ổn định bên trong, cái thang máy kêu tít tít khô khốc, báo hiệu quá tải. Cô gái cầm cốc cà phê Highlands đang đứng ở ngoài cùng tặc lưỡi bước ra, nhìn cửa thang từ từ đóng lại. Hơn chục con người bị cái thang máy bỏ lại bên ngoài đành đợi thêm 1 chuyến, không còn kịp lên văn phòng chấm công trước 8 giờ. Có lẽ sáng suốt hơn vẫn là những người lên quẹt vân tay rồi xuống ăn sáng khi nãy…









Thang máy vốn là vấn đề đau đầu nhất của các khách thuê (doanh nghiệp thuê văn phòng – PV). Bình thường chúng tôi đi làm, phải chờ 15 – 20ph mới bắt được thang máy để đi lên văn phòng, chẳng may đi làm muộn, chấm công bằng vân tay coi như chắc chắn “trượt”“, bà Hoàng Nguyệt Minh – Quản lý Đầu tư của Savills Hà Nội – chia sẻ. Văn phòng Savills Hà Nội đặt tại Leadvisors Place, quận Hoàn Kiếm – khu CBD (Central Business District) của Hà Nội.



Với sự bùng nổ của thế hệ Z ( Gen Z ) – chiếm tới 32% tổng dân số trong tương lai, các công ty khi thuê văn phòng, ngoài vị trí phù hợp, công năng tốt, còn lưu ý thêm yếu tố khác là thiết kế văn phòng có hút được thêm nhân viên và giữ chân được nhân tài hay không.



Môi trường làm việc kiểu mới: Không chờ thang máy 15 phút, chỗ làm tích hợp chỗ ăn, ngủ, thậm chí… tắm



Với xu thế mới, nhu cầu thuê văn phòng còn được mở rộng thêm nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, văn phòng không chỉ là nơi Làm việc (Work), mà còn là nơi để Sống (Live) và Chơi (Play)… Một trong những yếu tố được bổ sung trong các thiết kế văn phòng hiện đại là Không gian làm việc linh hoạt (Flexible Workspace).



Tại những tập đoàn lớn chúng tôi nói chuyện, họ cũng đã có những khu không gian làm việc chung (coworking), như một phần tích hợp để các bạn có thể dành thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi, thậm chí trong thời gian làm việc chuyển ra đấy ngồi, tăng tính sáng tạo, thậm chí tăng năng suất hơn“, ông Bùi Trung Kiên – Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội – chia sẻ tại sự kiện ” Thị trường văn phòng : Cuộc chiến về mặt bằng, nguồn nhân lực và khách thuê” mới đây.



Một không gian làm việc linh hoạt cũng giúp thay đổi thái độ làm việc, không còn tinh thần làm việc kiểu “8-5″ – những con người làm việc theo kiểu 8 giờ sáng lên văn phòng, chiều 5 giờ lại đi về bất chấp công việc có hiệu quả hay không. Môi trường làm việc kiểu mới sẽ là môi trường tạo thuận lợi nhất, tạo sự thoải mái nhất cho nhân viên, qua đó tăng được năng suất làm việc của họ.



Một ví dụ cho không gian làm việc kiểu mới được bà Minh đưa ra là Capital Palace – một tòa nhà cung cấp 121.000 m2 sàn văn phòng trong năm tới. Tòa nhà cao 37 tầng, mỗi tầng được bố trí 16 thang máy.



Một điểm thú vị là tòa nhà bố trí phòng tắm (Executive Bathroom) ở tất cả các tầng. Bên cạnh đó, vì muốn khuyến khích mọi người đi bộ và tập thể dục nhiều hơn, cho nên tòa nhà KHÔNG cho phép các công ty sử dụng thang máy đi giữa các tầng với nhau, việc này đồng thời giúp giảm traffic cho thang máy trong giờ cao điểm.



Lượng thang máy lớn, không cho phép sử dụng thang máy giữa các tầng, giúp cho thời gian chờ thang máy dự kiến ở mức 30 giây trong giờ cao điểm, giờ thấp điểm, thời gian chờ còn 23 – 25 giây.



Giờ không phải nhân viên thuê nhà cho gần công ty, mà công ty thuê văn phòng cho gần… nhà nhân viên









Việc các công ty đang phát triển hiện nay nghĩ tới khi chuyển văn phòng là việc có khả năng mất đi nhân sự… Vị trí chúng tôi nhìn thấy các nhân viên ở tập trung chủ yếu là khu vực các quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy“.



Vị trí Ba Đình, Đống Đa hiện nay đang là điểm thu hút bởi tại đây, các nhân viên đều có thể đi làm thuận tiện trong bối cảnh giao thông ngày càng trở nên tắc nghẽn. Hoàn Kiếm không còn là vị trí tối ưu cho nhân viên khi đi làm buổi sáng và trở về buổi chiều nữa“, ông Kiên nói.



Hoàn Kiếm cũng là quận đang đặt trụ sở của Savills Hà Nội. Ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội – cho biết hàng ngày nhân viên Savills phải mất tới 30 phút – 1 tiếng di chuyển.



Nếu đặt văn phòng tại khu vực Midtown (các quận Đống Đa, Ba Đình…) sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Savills Hà Nội cũng đang cân nhắc việc chuyển văn phòng đến khu vực này“, ông Matthew cho biết.



Lấy ví dụ cho việc di chuyển, buổi sáng và chiều, vào giờ cao điểm, khu vực tắc nhất là quận Ba Đình – Đống Đa. Nếu văn phòng đặt tại khu vực này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, khu Midtown khi ấy như một cái hub ở trung tâm, di chuyển về các hướng đều thuận tiện về mặt địa lý.



“Ví như chúng tôi di chuyển từ Hoàn Kiếm về Keangnam – Mỹ Đình có khi mất đến 45ph, thậm chí 1 tiếng, vào giờ tắc đường. Chưa nói đến vấn đề nhân viên hết giờ di chuyển thế nào, mà bản thân các công ty khi đi giao dịch với các khách hàng, đều bất tiện. Nếu công ty tôi lựa chọn thuê văn phòng ở khu giữa thì về mặt địa lý, di chuyển đến các khu vực khác sẽ hợp lý hơn rất nhiều”.



“Giả sử văn phòng tôi ở Liễu Giai, đi đến khu vực Cầu giấy mất 15-20ph, về trung tâm cũng mất 15-20ph thì riêng thời gian đi – về cũng đã tiết kiệm được rất nhiều”, bà Minh nói.



Theo Savills, trong nửa đầu năm 2019, phân khúc văn phòng cho thuê tại Việt Nam ghi nhận công suất cao kỷ lục với nhu cầu thuê lớn, nguồn cung mới hạn chế và giá thuê tăng trưởng nhanh. Dự báo đến năm 2020, phân khúc văn phòng cho thuê tại Hà Nội sẽ đón nhận thêm khoảng 392.000m² mặt sàn. Hiện nay, khách thuê đang có xu hướng di chuyển từ khu vực Trung tâm cũ (Hoàn Kiếm) đến các khu vực kinh tế mới – phía Tây.



Nguồn: Bảo Bảo (Trí thức trẻ)



The post Gen Z sắp tới sẽ thay đổi cuộc chiến văn phòng ra sao? appeared first on VnResource Blog.





Gen Z sắp tới sẽ thay đổi cuộc chiến văn phòng ra sao?